V/ NỮ VƯƠNG VIỆT QUỐC
Cứ 18 năm một lần, một hiện tượng siêu nhiên lại diễn ra trên toàn thế giới Sedrah.
Ngày đó trời đất giao thoa, đặc biệt sẽ nhìn thấy tới 8 mặt trăng trên bầu trời mầu đỏ thẫm, cảnh sắc vừa thần bí huy hoàng lại vừa có phần quỷ dị. Khắp mọi vương quốc tổ chức những nghi lễ hiến tế và thờ cúng trời đất hết mực long trọng, cầu cho vạn vật được bình an, con trẻ không phải nếm mùi binh lửa. Ngày này được gọi là Xích Thiên Bát Nguyệt.
Và Xích Thiên Bát Nguyệt là ngày quan trọng nhất trong chu kỳ mỗi 18 năm của Việt Quốc.
Vào lúc cả 8 mặt trăng bừng sáng lấp lánh như 8 viên ngọc trai trên bầu trời màu đỏ như máu, 18 đứa trẻ sẽ chào đời ở Việt Quốc, chia đều làm 9 nam nhi và 9 nữ nhi. Những đứa trẻ này có thể là dòng dõi từ bình dân cho tới phú quý, có thể sinh ra ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Quốc. Chúng cất tiếng khóc chào đời mạnh mẽ và được tất cả các thần dân của đất nước này đón chào như những đứa con trời ban, trên gáy 18 đứa trẻ có một ấn ký nhỏ hình mai rùa.
18 đứa trẻ này vô cùng xuất chúng.
Ngay từ khi còn nhỏ, tư chất chúng đã thông minh hơn người, ngoại hình lại vô cùng khả ái, cơ thể dẻo dai và bền bỉ, rất thích hợp cho việc luyện tập võ nghệ. Trong số các thôn làng rải rác khắp nơi trên Việt Quốc, ngôi làng nào có một đứa trẻ có ấn ký mai rùa sau gáy, thì đó là trách nhiệm lớn lao của cả làng trong việc dồn hết tâm sức vào nuôi dạy và bồi bổ cho đứa trẻ. Để món quà của Thần Thánh không vương vấn tình cảm thế tục, những đứa trẻ có ấn ký mai rùa không được phép biết về cha mẹ ruột thịt, phải coi tất cả người dân Việt Quốc là cha là mẹ, là anh chị em gia đình. Chúng buộc lập lời thề không phạm sắc giới, phải gìn giữ một tấm thân trong sạch để phục vụ đất nước cho tới hơi thở cuối cùng.
Tới lúc cả 18 đứa trẻ đến tuổi trăng rằm, được ấn định vào một ngày trăng soi đáy nước mùa hạ, tề tựu hội ngộ ở chiếc hồ lớn nằm ở sâu thẳm giữa Việt Quốc để thực hiện nghi lễ thần thánh, chọn ra vị Đế Vương tiếp theo. Nghi lễ đó chính xác đã xảy ra như thế nào là chuyện không ai hay, ngay cả những vị Quốc Sư cho tới những người đứng đầu Thần Điện cũng chưa từng nghe qua, là một bí mật mà chỉ có 18 đứa trẻ mang ấn ký mai rùa biết và tuyệt đối suốt cả ngàn năm qua không tiết lộ. Sau khi nghi lễ kết thúc, ấn ký trên gáy người được chọn sẽ có màu vàng rực rỡ như được khắc bằng sợi vàng ròng, khác hẳn với 17 người còn lại. Đồng thời ấn ký vàng trên người Đế Vương đương nhiệm sẽ mất đi, nhường chỗ cho thời đại của một người cai trị mới.
Trong lịch sử Việt Quốc, không cho phép vương vị cha truyền con nối, tất cả đều thuận theo sự sắp đặt này. 17 người mang ấn ký mai rùa còn lại sẽ chia nhau ra tới bảo vệ các mỏ quặng khoáng, rừng thanh trúc, các hòn đảo bao quanh Việt Quốc, lãnh đạo quân đội,…được dân Việt kính cẩn gọi là Thập Thất Tướng Quân.
Đế Vương đời thứ 256 của Việt Quốc là một nữ nhân, tên Lạc Linh. Khi xưng vương lấy hiệu Lạc Cơ. Nàng là đứa trẻ mang ấn ký rùa đã sinh ra ở mỏ quặng Nguyệt Thiết. Khi lên 5, nàng đã sử dụng giáo thuần thục như cách những nữ nhân khác thêu thùa may vá. Năm nàng 19 – khi ấy đã là Lạc Cơ, nàng khoác lên ng ười bộ giáp ánh vàng và chỉ huy đội quân cả vạn người, tỏa ra một thứ hào khí khiến trời đất rung động. Nam nhân Việt Quốc không biết nên kính sợ nàng, hay nên ái mộ vẻ đẹp phi thường của nàng, chỉ có thể tôn sùng thề trung thành với nữ vương cao quý.
Last modified 1yr ago