IX/ ỐC CHI THÀNH CHỦ
“Thập Tứ Đệ, lại đây làm chén rượu đi!”
Nam nhân nọ quay người lại, khuôn mặt cương trực bừng sáng dưới ánh trăng, ánh mắt ngút ngàn khí chất, chàng nở nụ cười lớn, tay phải cầm giáo, tay trái nhanh nhẹn đỡ lấy chén rượu người kia đưa cho mình, một hớp hết sạch. Tóc chàng búi cao, lộ ra một ấn ký hình mai rùa trên gáy. Chàng đưa tay quẹt ngang miệng, hào hứng nói:
“Đa tạ Thập Tam Ca! Huynh xem, trăng đêm nay sáng quá, thậm chí còn có thể nhìn thấy cả rừng trúc đấy!”
Thập Tam theo hướng chỉ của đệ, phóng tầm mắt về phía xa, quả nhiên ánh trăng đêm nay rực rỡ, trải cả một tấm thảm sáng sóng sánh xuống mỏ Ốc Chi. Những kẻ đào đêm càng thêm hứng khởi, liên tục giáng cuốc xuống, tay nhặt tay bới. Chàng nhấp chén rượu, gọi với xuống từ trên vọng gác:
“Nói đám người ở phía Tây là sắp hết giờ của chúng rồi! Mau sửa soạn rời đi!”
“Huynh hà tất phải nghiêm khắc như vậy, cho chúng thêm chút thời gian đào quặng đi!”
Thập Tứ phủi tay cười nói, tay lại rót thêm.
Ngoại trừ Lạc Linh – người mà nay họ kính cẩn gọi một tiếng Lạc Cơ, thì những người mang ấn ký mai rùa sau khi trở thành Thập Thấp Tướng Quân sẽ vứt bỏ tên thật, theo số thứ tự mà thêm một chữ Lang hay Nương tùy thân phận, sau chia nhau tới bảo vệ các phần lãnh thổ quan trọng của Việt Quốc.
Ốc Chi là một trong ba mỏ quặng lớn nhất trên đất Việt. Người Việt cổ tin rằng tiền thân của nơi này chính là một mảnh không nhỏ của Ngọc Trai Thất Sắc, trong mỏ có vô số vàng, may mắn còn đào được vật phẩm hay ngọc quý. Ốc Chi không chỉ rộng, lại như có linh tính. Hàng năm, người Việt đều tổ chức những nghi lễ hiến tế long trọng, cầu cho sự trù phú của mỏ.
Tuy rằng nằm trên đất Việt, nhưng những mỏ quặng giàu tài nguyên như Ốc Chi lại có lịch sử khiến các Việt Vương vô cùng lao tâm khổ tứ.
Trong hàng trăm năm liền, các thành viên của Thập Thất Tướng Quân và các binh sỹ Việt Quốc xả thân canh gác bảo vệ mỏ Ốc Chi khỏi sự dòm ngó của đội quân 6 nước còn lại, các băng cướp man rợ, và thậm chí là cả những kẻ đào trộm bất chấp quy củ. Quá mệt mỏi vì chiến sự kéo dài tại các mỏ quặng, Việt Quốc đi đến một hiệp định hòa bình với toàn Sedrah: Tất cả mọi người đều có thể tới khai thác mỏ quặng công bằng, chỉ cần nộp một quan tiền vào ngân khố của Việt Quốc. Cứ hết thời gian quy định, nếu muốn ở lại trong mỏ thì lại tiếp tục nộp lệ phí. Để chắc chắn công bằng, đến người Việt muốn vào mỏ cũng phải nộp quan tiền như tất cả các người ngoại tộc khác.
Thời gian đầu, ấy tưởng thế là đã yên ổn – mỏ quặng trước giờ chỉ có quan quân Việt Quốc được quyền tự do khai thác thì nay đã công bằng chia cơ hội cho tất cả. Bao quanh mỏ là một tòa thành với rất nhiều vọng gác, tên gọi Ốc Chi Thành. Ngay cả người Ragna ở xa tận cuối bờ Tây cũng vượt biển đến Việt Quốc, nộp lệ phí để có cơ hội được vào trong. Dẫu cho Ragna nổi tiếng là đất nước có nhiều vàng bạc đến như thế mà người Ragna cũng tìm tới Ốc Chi, nơi này quả thật không tầm thường!
Các bô lão thông thái ở Remus đã miêu tả mỏ Ốc Chi như một ngọn núi lấp lánh sao đêm, thực chất đó chính là những mỏm đá bằng vàng nổi lên, càng đào sâu phía dưới, thì lại thấy số vàng còn nhiều hơn cả chỗ đã trồi lên trên núi, không có giới hạn, hết lại tràn đấy! Ốc Chi Thành nhìn tưởng đơn giản nhưng lại khó xâm phạm, tòa thành bao quanh mỏ với hàng phòng vệ tinh anh, rất nhiều bẫy mìn đã được sắp xếp. Quân Việt tận dụng lợi thế hiểm trở của đất nước, cài cắm rất nhiều binh lính ẩn mình trên các vòm cây, thiện chiến vô cùng.
100 năm sau khi hiệp định được ký kết, Việt Vương đời đó đêm nằm trằn trọc, thấy có chút bất công. Làm gì có chuyện, một nơi tốt lành như vậy lại phải chia cho tất cả mọi người – các Tướng Quân trước đó vốn dĩ vẫn có thể bảo vệ mỏ quặng không bị xâm chiếm, nhưng quả thật cũng hao tổn binh sỹ nặng nề. Tính tới tính lui, Việt Vương nhiều đêm không ngủ, rồi quyết định thêm vào điều khoản, ngoài quan tiền nộp theo giờ cho ngân khố nước Việt để khai thác mỏ Ốc Chi, thì người vào còn phải nộp thêm một phần vàng nữa đã khai thác được trong mỏ cho Việt Quốc!
Thông lệ mới này lập tức dẫn đến bất hòa giữa các nước lần nữa, nhưng Việt Vương kiên định, quyết không thu hồi bố cáo của mình. Lúc đấy ở Việt Quốc cũng chia làm hai luồng ý kiến, các quan văn cầu an ổn, các quan võ thì không nhún nhường, còn bạo dạn khẳng định – nếu các quốc gia còn lại không đồng ý với điều lệ mới này, thì Việt Quốc sẽ lại đóng cửa Ốc Chi Thành, không san sẻ với bên ngoài, sẵn sàng quay lại thời kỳ nhiều năm giao tranh.
Giữa cơn khủng hoảng bạo loạn, thuận theo ý trời và thời gian, Lạc Linh đăng cơ – trở thành Việt Vương đời kế tiếp được chọn lựa. Việc đầu tiên nàng làm sau khi trở thành Nữ Vương Việt Quốc, đó là ưu tiên dàn xếp mỏ Ốc Chi, chiếu cáo khắp thiên hạ:
Toàn bộ thần dân trên Sedrah đều có thể tới khai thác mỏ, cần phải nộp một quan tiền và một phần vàng đào được trong mỏ vào ngân khố Việt Quốc. Tuy nhiên việc này không phải là tuyệt đối – kẻ nào bất phục có thể tới khiêu chiến với “Ốc Chi Thành Chủ” cùng đoàn vệ binh của thành. Người chiến thắng tất cả sẽ trở thành vị chủ nhân tiếp theo của mỏ, được quyền nhận quan tiền vào cửa cũng như phần vàng cống nạp từ những kẻ tới khai thác mỏ. Để đảm bảo sự công bằng, binh sỹ quân đội các nước không được tham gia khiêu chiến, chỉ có dân thường trong thiên hạ mới có thể trở thành “Ốc Chi Thành Chủ”.
Sau đó, Lạc Cơ ấn định hai anh em Thập Tam Lang và Thập Tứ Lang trở thành “Ốc Chi Thành Chủ”. Hai người đều sinh ra tại mỏ Ốc Chi, mang ấn ký mai rùa trên gáy, võ công cao cường, lại am hiểu từng ngóc ngách nơi này, đến một con kiến bò vào Ốc Chi cũng không qua được mắt họ! Suốt 3 năm qua, dù nhiều trận chiến đã xảy ra bởi những kẻ khao khát làm Ốc Chi Thành Chủ, vẫn chưa từng có kẻ nào hạ được Thập Tam Lang và Thập Tứ Lang. Chúng cũng hao không ít tâm trí, từ việc chọn ngày mưa bão để công thành, hay phóng hỏa tiễn,… cũng không dành được thắng lợi. Nhưng càng về sau lại càng khó khăn hơn trước, những kẻ rắp tâm chiếm mỏ nay đã dần bắt tay liên thủ, đồng loạt tấn công Ốc Chi Thành, gây ra vô số thiệt hại.
Thập Tam bâng khuâng hồi tưởng về 3 năm trước, khi chàng lần đầu bái kiến Lạc Cơ với tư cách là một Tướng Quân. Nàng có khí chất của một bậc quân vương, nhưng ánh mắt vẫn dịu dàng trong trẻo. Dù từ đó tới nay chàng chưa từng được gặp lại nàng, nhưng chàng vẫn không bao giờ quên thanh âm giọng nói.
“Thập Tam Lang, Thập Tứ Lang, ta tin rằng không ai có thể hạ gục được hai huynh tại Ốc Chi Thành!”
“Thập… À không, Lạc Cơ! Người quá đề cao chúng thần rồi! Vạn nhất nếu có chuyện gì, mỏ Ốc Chi rơi vào tay kẻ ngoại tộc, vậy Việt Quốc phải làm sao?”
Lạc Cơ xoay cây giáo một cách thuần thục trong tay, nàng nghiêng đầu cười:
“Chúng ta chẳng phải đã nói tướng sỹ quân đội các nước không được tham gia rồi sao? Nếu có kẻ giả danh dân thường mà thách đấu, thì coi như là gian lận, không được công nhận quyền! Còn các anh hùng trong thiên hạ… nếu không liên thủ thì làm sao đấu lại các huynh kia chứ? Nhưng chúng sẽ chẳng bắt tay đâu! Chẳng có ai muốn cống hiến vì người khác cả! Các Tướng Quân đời trước chưa từng để mất mỏ Ốc Chi, chúng ta có lợi thế về địa hình, vệ binh phòng thủ của Thành cũng rất tinh nhuệ, chúng có thể làm được gì kia chứ? Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta giao tranh chiếm lại mỏ là được!”
Thập Tam Lang khấu đầu, nguyện ý trung thành với ý chỉ của Nữ Vương. Trong thâm tâm không tránh khỏi lo lắng, nhưng chàng biết rằng với ấn ký mai rùa trên gáy – tại đất Việt, chàng vẫn còn có sức mạnh Thần Linh ban để bảo vệ vương quốc, những kẻ ngoại tộc tham lam kia đừng mong chiếm Thành!
Last modified 1yr ago